Da Liễu

Thưa bác sĩ, cháu cần một sự tư vấn cần thiết từ bác sĩ ạ! Cháu có đọc qua những mấy cách chữa bệnh giời leo trên google, nhưng cháu cần lời khuyên chính xác từ các bác sĩ ạ! Theo như mẹ cháu nói thì cháu bị giời leo. +Vị trí: môi dưới; +đặc điểm: ngày đầu xuất hiện giống như mụn mủ, khoảng 5-6 cục như vậy nằm sát bên nhau. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau chúng to hơn, ngứa, rát, và rỉ mủ. Hôm nay là ngày thứ 3, và mẹ cháu đã bôi lên chỗ giời leo một thứ nhựa cây (theo như cháu nghe nói, thì mấy cô hàng xóm từng bôi loại nhựa cây này lên, và nó khá là hiệu quả). Theo bác sĩ, cháu nên sử dụng thứ nhựa cây này không ạ ?!? Mong bác sĩ cho cháu câu trả lời sớm ạ! Cháu trân thành cảm ơn! (thêm nữa: cháu cũng chưa từng bị bệnh thủy đậu ạ!)

Đỗ Thanh Huyền

(2016/02/14 03:05)

Chào cháu,
Nếu cháu đúng là chưa bị thủy đậu bao giờ thì nhiều khả năng cháu bị giời leo.
Bệnh giời leo là từ gọi chung có các hiện tượng viêm da dị ứng do tiếp xúc với côn trùng có độc tính. Vùng da bị viêm do tiếp xúc sẽ bỏng rát khó chịu và không nằm cố định ở một vùng da nào, mà có thể lây lan sang các vùng khác do người bệnh đưa tay sờ lên mặt da rồi sờ vào chỗ da lành khác. Tuy nhiên thì vùng da bị bệnh mới sẽ có dấu hiệu nhẹ hơn chỗ ban đầu rất nhiều.
Nguyên nhân chính gây nên bệnh giời leo là con giời leo: Loại côn trùng này là động vật thuộc lớp Chân môi (Chilopoda), có kích thước nhỏ hơn so với nhiều loại chân rết khác, và có chân cao hơn, bò khá nhanh, vùng sinh sống ưa thích là các góc khuất, ngõ ngách, có thể gặp dưới gầm giường, nơi ẩm thấp.
Ngoài con giời leo, còn có một vài loại côn trùng khác cũng có thể gây bệnh tương tự như kiến ba khoang, sâu ban miêu – loại sâu này xuất hiện trong mùa gặt, thời kì giao mùa hay mưa bão.
Các mụn mủ nơi da tiếp xúc với côn trùng tiến triển 5-7 ngày thì đóng vẩy tiết, khô dần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, ở một số người, phản ứng dị ứng lại có thể kéo dài 1-3 tuần và dễ bị bội nhiễm vi khuẩn.
Ðể hạn chế tình trạng viêm dị ứng, cháu nên rửa sạch vùng da tiếp xúc côn trùng với nước và xà phòng; tạm sử dụng các thuốc bôi sát khuẩn ngoài da.
Khi lành, các sang thương viêm da dị ứng do tiếp xúc với dịch tiết côn trùng sẽ bong vảy và để lại vết sẹo thâm đen. Ít nhất từ 1-2 tháng sau, các vết thâm này mới từ từ phai mờ dần rồi sẽ mất hẳn mà không cần dùng thuốc.
Cháu nên chú ý điều trị tích cực ngay từ đầu, không gãi hoặc chà xát vùng da bị tổn thương vì có thể gây bội nhiễm và để lại sẹo xấu khó hồi phục sau này.
Người có các triệu chứng ngoài da giống như bị viêm da tiếp xúc do côn trùng nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm sau 72 giờ nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu khám ngay để được chẩn đoán phân biệt với zona và các bệnh ngoài da khác.
Việc chỉ định điều trị sớm và phù hợp sẽ giúp hạn chế các biến chứng không mong muốn xảy ra. Cháu không nên tự mua thuốc sử dụng vì nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị các loại bệnh này hoàn toàn khác nhau.
Cháu nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng. Dùng các loại thuốc hay các bài thuốc không rõ nguồn gốc có thể ảnh hưởng không tốt, khiến bệnh nặng hơn.
Cháu nên đi khám sớm nhé!
Chúc cháu mau khỏi!

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan