Cơ Xương Khớp

Chào bác sĩ ,em là nam năm nay 25 tuổi ,khoảng 2 tháng nay em thường xuyên bị đau quai hàm khi ăn uống,bình thường vẫn đau khi nhai vị trí đau nằm ở cơ quai hàm nắm ngay dưới mang tai, thường xuyên đau khi nhai thức ăn, mong bác sĩ giúp em , xem có phải đây là triệu chứng của bệnh gì không hay chỉ đơn thuần là đau quai hàm, vì em chưa thấy triệu chứng gì khác ngoài đau quai hàm khi nhai thức ăn, tại vị trí đau cũng không có biểu hiện gì lạ hết bên ngoài vẫn bình thường ko sưng, cũng không có hạch hoặc gì hết, mong bác sĩ giải đáp giúp em, em chân thành cảm ơn.

Ngọc Vũ

(2015/12/12 22:44)

chào bạn,
Với những thông tin mà bạn cung cấp cho chúng tôi thì có thể đó là triệu chứng của loạn khớp thái dương hàm.
Rối loạn thái dương hàm có hai nhóm triệu chứng chính là đau và loạn năng.
- Đau: Đau ở cơ hàm, khớp thái dương hàm, đau xuất hiện khi không hoặc có cử động hàm.
- Loạn năng: Há miệng hạn chế, không há lớn được, khi há có tiếng kêu lụp cụp ở khớp thái dương hàm, khi há hàm dưới bị lệch và không thẳng.
Nguyên nhân gây rối loạn thái dương hàm:
- Sự ăn khớp của các răng không tốt, mất răng lâu ngày không trồng răng giả dẫn đến các răng bên cạnh nghiêng vào khoảng mất răng, răng đối diện trồi xuống, các răng mọc lệch lạc gây xáo trộn sự ăn khớp giữa các răng.
- Các miếng trám, răng giả làm sai khiến hàm dưới vận động không thoải mái.
- Chấn thương ở khớp thái dương hàm.
- Thói quen siết chặt răng.
- Stress.
- Khiếm khuyết cấu trúc của khớp thái dương hàm.
- Bệnh lý toàn thân: Viêm đa khớp, viêm khớp dạng thấp.
Rối loạn thái dương hàm cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Ngày nay có hai phương pháp là điều trị xâm lấn và không xâm lấn:
- Điều trị không xâm lấn: điều chỉnh hành vi và nhận thức sai của bệnh nhân, vật lý trị liệu bài tập cho cơ hàm và cổ, điều trị bằng thuốc để cải thiện triệu chứng, mang máng bằng nhựa cứng trong miệng (máng nhai) để thư giãn cơ, giảm tải lực lên khớp và làm cải thiện sự ăn khớp các răng của bệnh nhân.
- Điều trị xâm lấn: mài chỉnh trên răng thật loại bỏ các vướng, cộm làm hàm dưới vận động không thoải mái, làm răng giả cho các răng đã mất, chỉnh hình các răng lệch lạc, phẫu thuật can thiệp trực tiếp vào khớp thái dương hàm.
Tốt nhất bạn nên đi khám để có sự chuẩn đoán chính xác từ bác sĩ và có hướng điều trị thích hợp nhé!
Chúc bạn mau khỏe!

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan