Thần Kinh

Kính gửi Bác Sĩ. Cháu năm nay 28 tuổi, đã có gia đình. Thưa Bác Sĩ cách đây khoảng 5 năm trở lại đây cháu xuất hiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt nhất là khi ngồi xuống 1 lúc rồi đứng lên, ngủ kém và kèm theo triệu chứng đau đầu âm ỉ nhưng kéo dài ngày, cứ mỗi lần đau cháu lại phải truyền giảm đau mới bớt. Thời gian gần đây khoảng 1 tháng cháu thấy bệnh hoa mắt chóng mặt tăng thêm, khi cháu ngồi bình thường rồi đứng lên thì lại tối sầm mặt mũi vào. Em trai cháu là Bác Sĩ cũng nói cháu nên mua thuốc về uống nó kê cho cháu thuốc Hoạt Huyết Dưỡng Não và sắt Ferrovit về uống. Uống hết 1 hộp đó cháu thấy vẫn không thuyên giảm, đêm cháu ngủ ít từ 3h đến 8h cháu dậy. Nhưng chiều cháu lại ngủ nhiều hơn từ 13h đến 18h cháu dậy. Cháu có thay đổi loại thuốc từ Hoạt Huyết Dưỡng Não sang Hoạt Huyết Nhất Nhất cháu dùng. Nhưng khi uống hết 1 vỉ cháu lại thấy xuất hiện tê ở 2 đầu ngón tay út và áp út ( chỉ đốt trên cùng của 2 ngón ), rồi sau đó tê 1 phần của lòng bàn tay trái. Thưa Bác Sĩ vì điều kiện hoàn cảnh gia đình cháu còn khó khăn nên cháu tìm hiểu và tìm đến Bác Sĩ tư vấn giúp cháu xem bệnh của cháu là bị làm sao và cháu muốn xin phác đồ điều trị. Cháu rất lo lắng về sức khỏe hiện tại của cháu. Mong Bác Sĩ giúp cháu ạ.

Hà

(2015/09/09 09:44)

Chào bạn,
Triệu chứng hoa mắt chóng mặt có thể do rất nhiều nguyên nhân. Để giữ được thăng bằng cho cơ thể, phải có sự tham gia của hệ thống giác quan (hệ tiền đình, cảm giác sâu và thị giác) đồng thời của hệ thống thần kinh trung ương, các cơ vùng cổ, thân, chi. Nếu các cơ quan này bị tổn thương sẽ gây nên chóng mặt và mất thăng bằng. Để điều trị hoa mắt chóng mặt, yếu tố đầu tiên là phải xác định được nguyên nhân gây bệnh. Đó có thể là có nguồn gốc ngoại biên như: do rối loạn tiền đình, viêm dây thần kinh tiền đình, bệnh Meniere, viêm tai giữa cấp và mạn, dị dạng tai trong; chấn thương hoặc tiền sử phẫu thuật; u dây thần kinh tiền đình - ốc tai; rối loạn thị giác: loạn thị, cận thị, viễn thị...; tác dụng không mong muốn của thuốc (streptomycin, gentamycin...); rượu, ma túy; say tàu xe; hiếm gặp hơn: tổn thương dây thần kinh vùng cổ (tổn thương cột sống cổ 2, cổ 3), bệnh lí tim mạch. Hoặc do hệ thần kinh trung ương: Thiểu năng tuần hoàn não, hạ huyết áp tư thế, hội chứng Wallenberg, nhồi máu tiểu não, xơ cứng rải rác, u tiểu não, nhức đầu Migraine, bệnh Parkinson, giang mai thần kinh... Nếu bạn đã uống hoạt huyết dưỡng não mà không có dấu hiệu thuyên giảm thì cần phải đến bệnh viện kiểm tra cụ thể nguyên nhân bởi ngoài nguyên nhân thiếu máu và thiểu năng tuần hoàn máu não, còn có thể do nhiều nguyên nhân khác. Tùy theo nguyên nhân và mức độ bệnh của bạn, các bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể, các thuốc thường dùng có thể là thuốc an thần, giãn mạch, Acetyl - DL - leucine, thuốc hoạt huyết,...
Chúc bạn sức khỏe!

Tìm kiếm câu hỏi khác

Các câu hỏi liên quan