Dấu hiệu trầm cảm thay đổi theo độ tuổi như thế nào?

Tác giả: Minh Đăng. Ngày đăng: 28-04-2017

Bạn có biết dấu hiệu trầm cảm thay đổi theo độ tuổi như thế nào?. Ai cũng có lúc cảm thấy buồn chán. Nhưng cảm giác này thường không kéo dài và mất đi trong vòng vài ngày. Khi bạn bị trầm cảm, nó ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày và gây đau khổ cho cả bạn và những người quan tâm đến bạn.

Nhiều người có những triệu chứng và dấu hiệu trầm cảm nhưng lại không bao giờ tìm cách điều trị. Nhưng đa số, kể cả những bệnh trầm cảm rất nặng, có thể thuyên giảm nếu điều trị. Thuốc, tâm lý trị liệu, và các biện pháp khác có thể điều trị hiệu quả người bị trầm cảm.

Dấu hiệu trầm cảm thay đổi theo độ tuổi như thế nào? hình ảnh 1

Người mắc bệnh trầm cảm không phải ai cũng có những triệu chứng và dấu hiệu trầm cảm như nhau. Mức độ, tần xuất, và thời gian xảy ra triệu chứng khác nhau tùy từng người và bệnh cụ thể của họ.

Triệu chứng và dấu hiệu trầm cảm

Mặc dù triệu chứng và dấu hiệu trầm cảm ở mỗi đối tượng sẽ khác nhau, tuy nhiên hầu hết họ sẽ có những dấu hiệu trầm cảm dưới đây:

-         Buồn chán, lo âu, hoặc cảm giác “trống rỗng” kéo dài

-         Cảm thấy vô vọng hoặc bi quan

-         Cảm thấy tội lỗi, vô dụng, hoặc bất lực

-         Dễ cáu kỉnh, bồn chồn

-         Không còn hứng thú đối với những hoạt động hoặc sở thích trước đây, kể cả sinh hoạt tình dục

-         Mệt mỏi, và giảm năng lượng

-         Khó khăn trong việc tập trung, nhớ các chi tiết, và đưa ra quyết định

-         Mất ngủ, tỉnh giấc sớm, hoặc ngủ quá nhiều

-         Ăn quá nhiều, hoặc chán ăn

-         Nghĩ đến chuyện tự tử, hoặc định tự tử

-         Đau nhức, đau đầu, chuột rút, hoặc các vấn đề về tiêu hóa không đỡ dù được điều trị.

Dấu hiệu trầm cảm ở mỗi đối tượng khác nhau như thế nào?

Dấu hiệu trầm cảm ở phụ nữ. Trầm cảm phổ biến ở phụ nữ hơn là ở nam giới. Các yếu tố về sinh học, vòng đời, nội tiết tố, và tâm lý xã hội mà người phụ nữ trải qua có thể liên quan tới tỷ lệ trầm cảm cao hơn ở phụ nữ.

Dấu hiệu trầm cảm ở phụ nữ thường là cảm thấy buồn bã, vô dụng, và tội lỗi quá đáng, giảm hứng thú tình dục, bi quan, vô vọng.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nội tiết tố có ảnh hưởng trực tiếp tới các hóa chất ở não kiểm soát cảm xúc và tâm trạng. Ví dụ, phụ nữ đặc biệt dễ bị trầm cảm sau khi sinh con (trầm cảm sau sinh), khi những thay đổi về nội tiết tố và thể chất và trách nhiệm mới cho việc chăm sóc đứa bé có thể quá sức đối với họ.

Một số phụ nữ cũng có thể mắc một dạng hội chứng tiền mãn kinh (premenstrual syndrome – PMS) nghiêm trọng, được gọi là rối loạn lo âu tiền mãn kinh (premenstrual dysphoric disorder – PMDD). PMDD có liên quan tới sự thay đổi nội tiết tố đặc trưng xuất hiện quanh thời kỳ rụng trứng và trước khi hành kinh.

Ngoài ra, căng thẳng từ công việc và trách nhiệm gia đình, chăm sóc con cái và cha mẹ già, ngược đãi, nghèo đói, và căng thẳng trong các mối quan hệ cũng khiến phụ nữ có các triệu chứng và dấu hiệu trầm cảm

Dấu hiệu trầm cảm ở nam giới.

Dấu hiệu trầm cảm ở nam giới mắc bệnh trầm cảm khác với phụ nữ. Trong khi phụ nữ bị trầm cảm thường cảm thấy buồn bã, vô dụng, và tội lỗi quá đáng, nam giới thường thấy mệt mỏi, bức bối, không còn quan tâm đến những hoạt động mà họ vốn thích thú, và khó ngủ.

Nam giới có thể thường tìm đến rượu hoặc ma túy khi bị trầm cảm hơn so với phụ nữ. Họ cũng có thể trở nên tuyệt vọng, chán nản, cáu kỉnh, giận dữ, và đôi khi bạo lực. Một số nam giới lao đầu vào công việc để tránh phải nói về tình trạng trầm cảm của họ với gia đình hoặc bạn bè, hoặc hành xử thiếu suy nghĩ.

Dấu hiệu trầm cảm ở người cao tuổi.

Trầm cảm không phải là một tiến triển bình thường của quá trình lão hóa. Các nghiên cứu cho thấy rằng phần lớn người cao tuổi hài lòng với cuộc sống của họ, mặc dù có nhiều bệnh hoặc những vấn đề thể chất. Tuy nhiên, khi người cao tuổi bị trầm cảm, nó có thể bị bỏ sót vì người cao tuổi có thể biểu hiện các triệu chứng và dấu hiệu  khác, ít rõ ràng. Họ có thể ít gặp phải hoặc thừa nhận cảm giác buồn bã hoặc đau khổ.

Đôi khi khó có thể phân biệt giữa nỗi thương tiếc và trầm cảm nặng. Nỗi thương tiếc sau khi mất người thân là phản ứng tự nhiên đối với sự mất mát và thường không cần điều trị tâm lý. Tuy nhiên, nỗi thương tiếc phức tạp và kéo dài trong một thời gian rất lâu sau một mất mát có thể cần điều trị. Các nhà nghiên cứu đang tiếp tục nghiên cứu về mối liên hệ giữa nỗi thương tiếc phức tạp và trầm cảm nặng.

Người cao tuổi cũng có thể mắc các bệnh như bệnh tim, đột quỵ hoặc ung thư, có thể gây các triệu chứng trầm cảm. Hay họ có thể đang dùng những loại thuốc có tác dụng phụ dẫn tới trầm cảm. Một số người cao tuổi có thể mắc một tình trạng mà các bác sĩ gọi là trầm cảm mạch máu, còn gọi là trầm cảm xơ vữa mạch máu hay trầm cảm thiếu máu cục bộ dưới vỏ.

 Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em và thiếu niên.

Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ em và thiếu niên thường là giả vờ bị ốm, không muốn đi học, bám lấy cha mẹ, hoặc lo sợ cha mẹ có thể chết. Trẻ lớn hơn có thể hờn dỗi, gặp rắc rối ở trường, bi quan và cáu kỉnh, và cảm thấy bị hiểu nhầm. Bởi vì những dấu hiệu này có thể xem như những thay đổi tính khí thất thường thường thấy ở trẻ khi chúng trải qua các giai đoạn phát triển, có thể khỏ chẩn đoán chính xác một người trẻ tuổi bị trầm cảm.

 Dấu hiệu trầm cảm thay đổi theo độ tuổi như thế nào hình ảnh 2

Trước khi dậy thì, nam và nữ có khả năng bị trầm cảm như nhau. Tuy nhiên, đến 15 tuổi, nữ có nguy cơ bị một đợt trầm cảm nặng gấp đôi so với nam.

Trầm cảm trong thời kỳ niên thiếu xảy ra vào thời điểm biến đổi cá nhân quan trọng—khi các em đang hình thành một nhân cách tách biệt từ cha mẹ, đối mặt với các vấn đề về giới tính và tình dục mới xuất hiện, và đưa ra các quyết định độc lập đầu tiên trong cuộc đời. Trầm cảm ở thanh thiếu niên thường xuất hiện đồng thời với những rối loạn khác như lo âu, rối loạn ăn uống, hoặc lạm dụng chất kích thích. Nó cũng có thể dẫn tới gia tăng nguy cơ tự tử.

Nên làm gì khi có dấu hiệu trầm cảm?

Nếu bạn bị trầm cảm, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi, bất lực, và tuyệt vọng. Có thể rất khó khăn để thực hiện bất kỳ hành động nào giúp đỡ cho bản thân. Nhưng khi bạn bắt đầu thừa nhận bệnh trầm cảm của bạn và bắt đầu điều trị, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy tốt hơn.

Để tự giúp bản thân

  • Đừng để quá lâu mới đi đánh giá hay điều trị. Có nghiên cứu cho thấy để càng lâu, tổn thương càng nhiều về sau. Cố gắng gặp một chuyên gia càng sớm càng tốt.
  • Cố gắng sống tích cực và tập thể dục. Đi xem phim, chơi bóng, hoặc một sự kiện hay hoạt động khác mà trước kia bạn thích.
  • Đặt ra những mục tiêu thực tế cho bản thân.
  • Chia những công việc lớn thành những việc nhỏ, đề ra một số ưu tiên và thực hiện những việc bạn có thể làm trong khả năng của mình.
  • Cố gắng dành thời gian tiếp xúc với người khác và tâm sự bạn thân hoặc người thân. Cố gắng không để cô lập bản thân, và để người khác giúp bạn.
  • ·Biết rằng tình trạng của bạn sẽ cải thiện dần dần, không thể ngay lập tức. Đừng mong đợi bệnh sẽ khỏi “trong chớp mắt”. Thông thường khi điều trị trầm cảm, việc ăn ngủ sẽ bắt đầu cải thiện trước tâm trạng chán nản.
  • Hoãn lại các quyết định quan trọng, như kết hôn hoặc ly hôn hoặc thay đổi công việc, cho đến khi bạn cảm thấy khá hơn. Thảo luận về các quyết định với những người hiểu bạn và có cách nhìn khách quan hơn về hoàn cảnh của bạn.
  • Hãy nhớ rằng rằng suy nghĩ tích cực sẽ thay thế những suy nghĩ tiêu cực khi bệnh trầm cảm của bạn đáp ứng với điều trị.
  • Tiếp tục giáo dục bản thân về bệnh trầm cảm.

Tra cứu khác

Tra cứu liên quan

Dấu hiệu trầm cảm thay đổi theo độ tuổi như thế nào?

Bạn có biết dấu hiệu trầm cảm thay đổi theo độ tuổi như thế nào?. Ai cũng có lúc cảm thấy buồn chán. Nhưng cảm giác này thường không kéo dài và mất đi trong vòng vài ngày. Khi bạn bị trầm cảm, nó ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày và gây đau khổ cho cả bạn và những người quan tâm đến bạn.